Sứa chứa nhiều dưỡng chất, mang lại những lợi ích sức khỏe khác nhau cho con người. Tuy nhiên, khi ăn bạn cũng cần lưu ý một số điều. Sứa là một loại sinh vật biển có thân mềm, nhiều xúc tu dài, với nhiều kích thước và màu sắc khác nhau. Trên thế giới có khoảng hơn 200 loài sứa, một số trong đó có độc và không ăn được nhưng ngược lại cũng có nhiều loại sứa ăn được, điều quan trọng là phải tiêu thụ chúng một cách an toàn.
Có khoảng 11 loại sứa được xác định là an toàn để ăn. Sứa rất nhanh hỏng nên việc chế biến và bảo quản vô cùng quan trọng.
Những người không nên ăn sứa
Những đối tượng dưới đây không nên ăn hoặc hạn chế ăn sứa:
– Trẻ em dưới 8 tuổi không được ăn sứa, kể cả những loại sứa đã được chế biến vì rất dễ bị ngộ độc.
– Người bị dị ứng với hải sản.
– Người mới ốm dậy.
– Người bị suy nhược cơ thể.
– Người từng bị ngộ độc thực phẩm.
Độc tố của sứa biển thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ. Bởi vậy, việc chế biến sứa cần phải làm chuẩn:
Quá trình chế biến sứa tươi phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang mầu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng để chế biến làm thức ăn.
Không nên ăn sứa biển trong mùa sinh sản vì thời điểm này sứa tích lũy rất nhiều độc tố trong cơ thể.
Với sứa đã được ép khô cũng nên rửa thật sạch trước khi chế biến. Cách làm này có thể giúp hạn chế những hóa chất được dùng trong quá trình sơ chế sứa, tốt cho sức khỏe hơn.
Những điều cần đặc biệt lưu ý khi ăn sứa biển
- Tuyệt đối không dùng nếu sứa chưa được qua chế biến đồng thời các độc tố chưa bị loại bỏ.
- Trong quá trình tiếp xúc, tránh động chạm đến các xúc tu của sứa vì đó là nơi chứa độc tố nematocyst (loại nọc độc của sứa dùng để phản vệ khi bị vật thể lạ tấn công).
- Trẻ em thường có sức đề kháng khá yếu chưa được hoàn thiện, do đó không nên cho ăn sứa dù đã chế biến sạch vì để tránh mọi rủi ro có thể gây ngộ độc.
- Đặc biệt phải luôn nhớ sơ chế sứa bằng ngâm 3 lần nước muối với phèn chua khi sứa chuyển vàng nhạt hoặc hồng thì mới tiếp tục các bước chế biến còn lại.
Những biểu hiện phản ứng do sứa biển
Thể nhẹ: Người bệnh có thể bị phản ứng ngoài da, dị ứng nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa nhiều. Những hiểu hiện này sẽ nhanh chóng biến mất nên bạn đừng quá lo lắng.
Thể cấp hoặc bán cấp: Nạn nhân bị nổi mề đay toàn thân, phù quineque ở mắt, môi, mặt, thanh quản dẫn đến ngạt thở, mạch nhanh. Kèm với hiện tượng đó, tim mạch đập nhanh bất thường, huyết áp hạ thấp, thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, vã mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi. Đó là những biểu hiện “sốc phản vệ”, chúng ta cần đưa ngay vào bệnh viện chống sốc.
Cách phòng tránh ngộ độc sứa biển
Các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, khi đi tắm biển, chúng ta hãy tránh xa những con sứa biển dù nhìn chúng rất bắt mắt. Độc tố của sứa nằm ở các súc tu, các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong súc tu để bắt mồi và tự vệ.
Cục An Toàn Thực Phẩm Bộ Y tế cho biết, có rất nhiều loại sứa biển. Một số loại sứa có chứa độc tố rất mạnh, cần phải chế biến sứa biển đúng cách trước khi ăn. Không nên sử dụng sứa biển tươi chưa qua chế biến bởi độc tố trong sứa tươi có thể gây nguy hại tới tính mạng người ăn, kể cả những loại sứa đã được chế biến.
Người tiêu dùng nên chọn sứa có bề ngoài màu phớt hồng hơi trắng, có phấn như muối, không dính bết. Lấy ngón tay ấn thử vào mình sứa, cảm nhận thịt sứa chắc tay, không bị chảy nước là được. Nếu là sản phẩm đông lạnh hoặc sứa khô thì cần mua của nhà sản xuất có thông tin chính thống, hạn sử dụng rõ ràng.
Cục An Toàn Thực Phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển chưa qua chế biến khử độc làm gỏi ăn sống. Để có món gỏi sứa ngon và lành, người nội trợ cần phải tuân thủ quy trình chế biến rất phức tạp. Người nội trợ cần phải ngâm sứa vào nước đun với vỏ cây vẹt để nguội để hãm cho sứa không bị tanh, bị khai. Nếu công đoạn này làm không chuẩn, sứa sẽ bị khai nồng, rất khó ăn. Ngoài ra, người nội trợ khéo sẽ cho thêm chanh và quất cắt lát vào chậu nước ngâm để miếng sứa dậy mùi thơm. Khi sứa chuyển màu hồng gụ như bã trầu, trong veo, thịt mềm là có thể ăn được.
Nếu mua sứa đã được ép khô tại các cửa hàng siêu thị, bạn hãy rửa thật sạch trước khi chế biến. Cách làm này có thể giúp hạn chế những hóa chất được dùng trong quá trình sơ chế sứa. Đặc biệt, không nên ăn sứa biển trong mùa sinh sản của chúng vì thời điểm này sứa tích lũy rất nhiều độc tố trong cơ thể.
Tổng kết, một số người không nên dùng sứa biển, kể cả khi đã được nấu chín, đó là: Những người đã từng bị ngộ độc thực phẩm, người mới ốm dậy, người bị dị ứng với hải sản, người bị suy nhược cơ thể.